Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học

Bộ môn Phục hồi Chức năng - Y học Cổ truyền

1. Đặc điểm tình hình.

Nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, điều trị và phục hồi chức năng là bốn yếu tố trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện hiện nay. Vật lý trị liệu/Phục hồi chức năng là một lĩnh vực non trẻ, được phát triển muộn nhất sau y học phòng bệnh, y học điều trị và được quan niệm là bước phát triển thứ ba của Y học. Người bệnh không được điều trị, chăm sóc và phục hồi một cách toàn diện đáp ứng được nhu cầu của người bệnh và người tàn tật mà còn phải vượt ra ngoài điều trị y tế để giúp những người bị tổn thương và bệnh tật thích nghi đến mức tối đa tình trạng hiện tại của họ để hội nhập xã hội.

Sự phát triển của VLTL/PHCN đã không ngừng góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế của người khuyết tật trong xã hội. Ngày nay, hầu hết các quốc gia quan tâm nhiều đến VLTL/PHCN.

Tại Việt Nam, Trong khoảng 10 năm trở lại đây ngành VLTL/PHCN được xây dựng và phát triển. Hầu hết các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố, các ngành, các viện điều dưỡng, Các viện chuyên khoa có giường bệnh đã thành lập được khoa PHCN hoặc khoa Vật lý trị liệu. Các khoa VLTL/PHCN đã tích cực góp phần phục hồi chức năng các rối loạn chức năng về thần kinh và vận động, các di chứng sau chẩn thương, tai nạn. Một số khoa VLTL/PHCN tuyến tỉnh và huyện được sự giúp đỡ của tuyến trên đã thực hiện được nhiệm vụ giúp đỡ về kỹ thuật cho các địa phương. Chương trình VLTL/PHCN dựa vào cộng đồng được phát triển từ năm 1987, được lồng ghép trong hệ thống Chăm sóc sức khỏe ban đầu và hiện nay đang phát triển mạnh ở các địa phươngChương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã tạo cơ hội giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Nhiều người khuyết tật đã có thể tự làm việc, tự nuôi sống bản thân, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn VLTL/PHCN còn thiều và yếu, trang thiết bị chuyên khoa nghèo nàn, lạc hậu nên công tác VLTL/PHCN vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều người khuyết tật nghèo vẫn chưa được tiếp cận với VLTL/PHCN nên cuộc sống vẫn phải nhờ vào người thân. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về vai trò, ý nghĩa của VLTL/PHCN trong phần lớn cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp chưa đầy đủ, chưa chú trọng đầu tư thường xuyên cho công tác VLTL/PHCN; công tác đào tạo cán bộ VLTL/PHCN chưa được quan tâm đúng mức; mạng lưới tổ chức VLTL/PHCN chưa rộng khắp, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ môn Vật lý trị liệu trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai được thành lập tháng 05 năm 2008 theo Quyết định số 67/QĐ-CĐYT. Lúc mới thành lập bộ môn chỉ có 04 giáo viên, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Công tác chính của bộ môn lúc bấy giờ là tham gia giảng dạy môn học Phục hồi chức năng cho các lớp Điều dưỡng, Hộ sinh, Y sĩ và tham gia các hoạt động khác của nhà trường. Cùng với sự phát triển chung cùa Nhà trường, từ năm học 2009 – 2010 trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu hệ trung cấp, và bộ cũng đã được sự quan tâm của Cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy và phát triển.

2. Chức năng nhiệm vụ.

Bộ môn Vật lý trị liệu có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, quản lý giáo viên, cán bộ nhân viên thuộc bộ môn; tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học, tài liệu giảng dạy, nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; tổ chức việc thực hiện đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho giảng viên, cán bộ nhân viên thuộc bộ môn, phối hợp các phòng chức năng, các bộ môn khác trong nhà trường thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do nhà trường phân công. Hàng năm sơ kết tổng kết các hoạt động báo cáo Ban giám hiệu theo qui định.

3. Kết quả đạt được.

Hiện tại bộ môn có 06 giảng viên cơ hữu và 10 giảng viên thỉnh giảng có trình độ đại học và sau đại học có kinh nghiệm từ các bệnh viện trong tỉnh. Với các trang thiết bị tương đối hiện đại, đồng bộ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên VLTL/PHCN. Bên cạnh đào tạo chính quy, dài hạn, còn tham gia đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao cho cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng tại các cơ sở thông qua các hình thức: vừa làm vừa học và bổ túc chuyên môn nghiệp vụ; tham gia nghiên cứu khoa học các đề tài khoa học về chuyên ngành PHCN, bệnh nghề nghiệp và các chuyên ngành liên quan. Nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp PHCN - điều dưỡng theo hướng kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc khác.

Đến thời điểm hiện tại bộ môn đã đào tạo hệ cao đẳng được 7 khóa, trung cấp 8 khóa, tốt nghiệp ra trường 151 cử nhân cao đẳng và 202 kỹ thuật viên trung cấp; năm học 2016 – 2017 sẽ có thêm 62 cử nhân cao đẳng và 17 kỹ thuật viên trung cấp tốt nghiệp; đang học tại trường là 112 sinh viên. Hầu hết sinh viên học sinh ra trường đều có thái độ phục vụ bệnh nhân rất tốt, được bệnh nhân tin yêu và quý mến; có kỹ năng và kiến thức tốt về chuyên môn được lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm, phòng khám và bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đánh giá rất cao.

Bên cạnh đào tạo chính quy dài hạn, còn tham gia đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao cho cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng tại các cơ sở thông qua các hình thức: vừa làm vừa học và bổ túc chuyên môn nghiệp vụ; tham gia nghiên cứu khoa học các đề tài khoa học về chuyên ngành PHCN, bệnh nghề nghiệp và các chuyên ngành liên quan. Nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp PHCN - điều dưỡng theo hướng kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc khác.

Nội dung giảng dạy luôn được cập nhật và đổi mới thường xuyên phù hợp với sự phát triển của y học trong nước và quốc tế. Năm 2015 bộ môn đã biên soạn giáo trình và đề cương chi tiết để giảng dạy theo phương pháp tín chỉ.

Ngoài ra, bộ môn còn phụ trách phòng khám và điều trị Vật lý trị liệu với nhiều trang thiết bị vật lý trị liệu hiện đại. Đây là tiền đề và cơ sở bước đầu để thực hiện xây dựng giai đoạn hai của Trường tiến tới xây dựng Bệnh viện thực hành theo định hướng phát triển trường Đại học cho những năm tiếp theo.

Top